Friday, May 18, 2012

CHIẾN DỊCH CƠN THỊNH NỘ CỦA THƯỢNG ĐẾ




I. LỜI GIỚI THIỆU
        Chiến dịch “Cơn Thịnh Nộ của Thượng Đế” (Operation Wrath of God, Hebrew: מבצע זעם האל, Mivtza Za'am Ha'el) còn có tên “Chiến Dịch Dao Găm” (Operation Bayonet), là một chiến dịch bí mật do cơ quan tình báo quốc ngoại Mossad đảm trách, ám sát những nhân vật chủ chốt Ả Rập, dính líu trực tiếp, gián tiếp đến vụ thảm sát mười một lực sĩ Do Thái trong kỳ Thế Vận Hội Munich năm 1972.
        Mục tiêu của chiến dịch bao gồm nhóm khủng bố võ trang người Palestine “Tháng Chín Đen” (Black September), thủ phạm chính trong vụ thảm sát Munich, và các nhân vật lãnh đạo trong “Tổ Chức Giải Phóng Palestine” (PLO) bị Do Thái khép tội có liên quan đến vụ thảm sát. Chiến dịch “Cơn Thịnh Nộ của Thượng Đế” được nữ Thủ Tướng Golda Meir ký thuận trong mùa thu năm 1972 và kéo dài hơn 20 năm.
        Trong thời gian chiến dịch, các toán hành động Mossad giết hơn chục mạng người, những tay khủng bố, cấp chỉ huy, những người bị tình nghi liên quan đến vụ giết mười một lực sĩ Do Thái. Quân đội Do Thái đưa các đơn vị biệt kích tấn công sâu vào Lebanon giết các cấp chỉ huy người Palestine. Để trả đũa những vụ ám sát, đột kích, Tháng Chín Đen, mở những trận tấn công vào các cơ sở, cơ quan của Do Thái trên khắp thế giới.

II. TOÁN ÁM SÁT CUẢ MOSSAD
        Ít lâu sau vụ thảm sát Munich xẩy ra, Golda Meir thành lập ủy ban X, để soạn thảo, xắp xếp kế hoạch trả đũa, gồm có nữ Thủ Tướng Golda Meir, Bộ Trưởng Quốc Phòng Moshe Dyan. Đồng thời Golda Meir chỉ định Tướng Aharon Yarif làm cố vấn trong vấn đề “chống khủng bố”. Tướng Aharon Yarif cùng với Giám Đốc cơ quan Mossad Zvi Zamir điều hành các hoạt động chống khủng bố.
        Sau các phiên họp mật, ủy ban X đưa đến kết luận, để ngăn ngừa các hoạt động khủng bố nhắm vào quốc gia, thường dân Do Thái trong tương lai, quốc gia Do Thái cần “thanh toán” (ám sát) những người yểm trợ hoặc thi hành vụ thảm sát Munich. Thêm vào ý kiến quần chúng, của các viên chức trong ngành tình báo, nữ Thủ Tướng Golda Meir phải ký thuận cho một chiến dịch ám sát rộng lớn.
        Trở lại vụ thảm sát Munich, trong nhóm khủng bố có ba tên bị bắt, giam giữ trong nhà tù ở Đức. Khoảng hơn một tháng sau, quân khủng bố cướp (không tặc) một máy bay của hãng hàng không Đức Lufthansa, đòi chính quyền Đức trả tự do cho ba tên đồng bọn đang bị giam giữ ở Đức… chính quyền Đức phải làm theo sự đòi hỏi của quân khủng bố.
        Chuyện này làm chính quyền Do Thái tức giận, công việc đầu tiên cho ngành tình báo, thảo ra một danh sách những nhân vật liên quan đến vụ thảm sát. Tình báo Do Thái biết rõ chi tiết qua điệp viên “nằm vùng” gài trong hàng ngũ “Tổ Chức Giải Phóng Palestine” (PLO) và tin tức do các cơ quan tình báo Tây phương cung cấp. Danh sách này vẫn được giữ bí mật, có khoảng 25 – 30 người phối hợp giữa “Tháng Chín Đen” và PLO. Tiếp theo cơ quan tình báo quốc ngoại Mossad được lệnh truy lùng, ám sát các nhân vật có tên trong danh sách (sổ đen).
        Một điều quan trọng trong kế hoạch ám sát của Mossad là làm sao có thể “chối cãi” được. Làm sao các cơ quan điều tra trên thế giới không thể chứng minh, có sự liên hệ trực tiếp giữa vụ ám sát với Do Thái. Hơn nữa, Do Thái muốn đem sự “sợ hãi” vào trong hàng ngũ các tổ chức võ trang người Palestine như một lời cảnh cáo. Theo lời David Kimche, cựu phó Giám Đốc Mossad “Ngoài mục đích trả thù, chiến dịch (Cơn Thịnh Nộ của Thượng Đế) gây kinh hoàng trong hàng ngũ đối phương, các nhóm võ trang người Palestine. Chúng tôi muốn họ biết rằng chúng tôi đang săn đuổi. Do đó, chúng tôi (Mossad) không làm những chuyện… bắn người ngoài đường… Điều đó quá dễ dàng”.
        Nhận được lệnh, Mossad thành lập các toán ám sát, chuyện này được giữ bí mật, trong phim “Lưỡi Gươm Gideon”, tất cả các điệp viên Do Thái đi ám sát đều hy sinh… nhưng cũng có thể… để giữ bí mật danh tánh cho người điệp viên. Một điều được biết chắc chắn, chuyện ám sát xẩy ra, phần còn lại… do nhiều nguồn tin khác nhau.
        Điệp viên Mossad Michael Harari là người chịu trách nhiệm thành lập, điều khiển toán ám sát (có thể nhiều toán). Tác giả Simon Reeve viết rằng: Tên của các toán ám sát trên mẫu tự Hebrew (cổ ngữ Do Thái) gồm có:
        … Mười lăm (15) điệp viên Mossad chia ra làm năm tổ: “Aleph” hai tay thiện xạ, “Bet” hai hậu vệ (an ninh) che chở cho Aleph, “Het” hai điệp viên lo chuyện tiếp vận (hậu cần) cho cả toán như thuê khách sạn, thuê xe…, “Ayin” có khoảng từ sáu đến tám người lo tất cả phần còn lại (khung, hậu cứ), dò tìm mục tiêu, phác họa “đường rút lui” cho hai tổ Aleph và Bet, và “Ooph” hai nhân viên lo vấn đề thông tin (communication).
        Theo lời một tác giả khác, cựu điệp viên Mossad Victoe Ostrovsky, các toán ám sát là Kidon (đã đề cập đến trong một bài viết trước đây, nói về cơ quan Mossad -  vđh). Kidon cũng được tác giả Gordon Thomas đồng ý, ông ta được phép xem xét các bản báo cáo của tám (8) toán Kidon, cùng với khoảng tám mươi (80) điệp viên Mossad liên quan đến chiến dịch ám sát.
        Một tác giả khác Aaron Klein viết rằng, các toán ám sát là một phần trong “đơn vị” có tên là Caesarea, sau này được tổ chức lại, đổi tên Kidon vào gữa thập niên 1970s. Người nhận nhiệm vụ tổ chức các toán ám sát, Harari sau này đích thân chỉ huy ba toán Caesarea, mỗi toán mười hai (12) người, chia ra làm ba tổ: tiếp vận, theo dõi và ám sát.
        Một trong các toán ám sát, bị “lột trần” (phơi bầy ra), trong vụ giết lầm người khác ở Lillehammer, Na Uy (Norway). Vụ “tai tiếng” này làm sáu điệp viên Mossad trong toán ám sát bị chính quyền Na Uy bắt giữ. Người chỉ huy Harari cùng các điệp viên khác, chạy thoát về Do Thái. Sau vụ này, tờ báo Time ở Hoa Kỳ cho ra một loạt phóng sự về cơ quan Mossad, cũng cho thấy con số tương tự, mười lăm (15) người trong toán ám sát.
        Một tài liệu khác biệt do Yuval Aviv viết trong tác phẩm “Phục Hận” (Vengeance), cho rằng, Mossad thành lập một toán điệp viên năm (5) người nhiều kinh nghiệm do ông ta chỉ huy, hoạt động ở Âu châu. Aviv nói thêm, toán này hoạt động không qua sự chỉ huy trực tiếp của chính quyền Do Thái, và chỉ nhận lệnh trực tiếp từ cấp chỉ huy Harari.
        Vài tiếng đồng hồ trước khi toán ám sát ra tay, gia đình nạn nhân nhận được bó hoa cùng với thiệp chia buồn “Một điều nhắc nhở, chúng tôi không thể nào quên được, cũng như tha thứ”.

III. RA TAY (1972 – 1988)
        Vụ ám sát đầu tiên xẩy ra ngày 16 tháng Mười năm 1972, Wael Zwaiter một thông dịch viên người Palestine bị giết chết ở La Mã (Rome). Điệp viên Mossad đợi ông ta đi ăn tối về, bắn mười một (11) viên đạn (cho 11 lực sĩ Do Thái bị thảm sát). Thi hành xong, các điệp viên Do Thái trở về căn nhà “an toàn” (bí mật). Lúc bị giết, Wael Zwaiter đang đại diện người Palestine ở Ý, phiá Do Thái cho rằng ông ta là hội viên “Tháng Chín Đen”, có liên quan đến vụ bắn hụt chiếc báy bay El Al (hàng không Do Thái). PLO cho biết ông ta không dính dấp gì đến chuyện đó, Abu Iyad phó thủ lãnh PLO nói rằng, Wael Zwaiter là một người chống đối chuyện khủng bố.
        Mục tiêu thứ hai của Mossad là Bác Sĩ Mahmoud Hamshari, đại diện PLO ở Pháp. Do Thái cho rằng, ông ta là thủ lãnh “Tháng Chín Đen” ở Pháp. Một điệp viên Mossad giả làm phóng viên Ý “dụ dỗ” được ông ta ra khỏi căn apartment ở Paris. Hai điệp viên Mossad khác lẻn vào gài chất nổ dưới điện thoại bàn. Ngày 8 tháng Mười Hai, người phóng viên Ý (Mossad) gọi điện thoại cho Hamshari, để biết chắc người cầm điện thoại là ông ta, tiếp theo là một tiếng nổ. Hamshari vẫn còn tỉnh táo để báo cáo cho nhân viên công lực Pháp “chuyện gì đã xẩy ra cho ông ta”. Vài tuần lễ sau, Hamshari chết trong bệnh viện. Một vụ ám sát chết người khác xẩy ra ở Luân Đôn (London)… Có ai đó chen lấy, xô đẩy một người Palestine xuống đường ngay trước một xe bus đang chạy.
        Vào đêm 24 tháng Giêng năm 1973, Hussein Al Bashir người Jordan, đại diện El Fatah (một nhóm khủng bố quá khích Palestine) trên đảo Cyprus, tắt đèn phòng của ông ta trong khách sạn Olympic ở Nicosia. Vài phút sau, một qủa bom gắn dưới giường ngủ nổ tung làm ông ta chết ngay tức khắc, căn phòng hư hại nặng. Do Thái cho rằng, Al Bashir là Trùm “Tháng Chín Đen” trên đảo Cyprus, ngoài ra ông ta có nhiều “ngoại giao” với KGB.
        Ngày 6 tháng Tư năm 1973, Tiến Sĩ Basil Al Kubaissi, một giáo sư Luật thuộc viện đại học American University ở Beirut (Li Băng), người bị Do Thái nghi ngờ “tiếp vận” vũ khí cho “Tháng Chín Đen” và dính dấp với các âm mưu khác của PLO. Ông ta bị bắn gục ở Paris khi trên đường trở về sau bữa ăn tối. Cũng như lần trước, hai điệp viên Mossad “gửi” mười một viên đạn trên cơ thể ông Tiến Sĩ Luật.
        Ba trong số “mục tiêu” quan trọng của Mossad sống trong khu vực được bảo vệ an toàn ở Li Băng (Lebanon). Điều này không thể thực hiện được với những phương thức trước đó. Mossad cung cấp chính xác tin tức tình báo về các mục tiêu cho lực lượng quốc phòng Do Thái làm việc. Quân đội Do Thái tổ chức cuộc hành quân “Mùa Xuân của Tuổi Trẻ” (Spring of Youth) để tiếp tay cho Mossad. Đêm 9 tháng Tư năm 1973, quân biệt kích lừng danh của Do Thái gồm có: Sayeret Matkal, Sayreret 13 (Biệt Hải), và Sayeret Tzanhanim đổ bộ vào bờ biển Li Băng. Trên bờ, quân biệt kích được nhân viên Mossad đã chuẩn bị sẵn xe cộ (xe Van) đưa đến mục tiêu và đưa trở lại bờ biển, sau đó được tầu hải quân đón đưa về Do Thái.
        Các biệt kích quân ăn mặc thường phục, được Mossad đưa vào trong thủ đô Beirut giết chết Muhammad Yussef Al Naija, Trùm ban điều hành “Tháng Chín Đen”, Kaman Adwan, Trùm ban điều hành PLO, và Kamal Nasser, phát ngôn viên trong ủy ban điều hành PLO. Cả ba tay Trùm Palestine sống ở ba khu vực khác nhau, có cận vệ canh gác, bảo vệ… Cả ba đều bị giết chết. Trong lúc quân biệt kích tấn công, có mấy người bị “vạ lây”, hai cảnh sát viên Li Băng, một người quốc tịch Ý (du khách) và bà vợ của Naija. Phiá Do Thái, chỉ có một biệt kích quân bị thương. Đơn vị Trinh Sát Dù Sayeret Tzanhanim tấn công vào một cao ốc sáu tầng, nơi đặt bộ chỉ huy “Tổ Chức Giải Phóng Palestine” (PLO), gặp sức kháng cự mạnh, quân Dù đánh xập cao ốc, đổi lại hai chiến sĩ hy sinh. Đơn vị Biệt Hải Sayeret 13 phối hợp với Trinh Sát Dù tấn công, phá hủy nhà máy chế tạo vũ khí của PLO. Tổng kết, ngoài ba tay Trùm PLO, quân biệt kích giết thêm khoảng chục tay súng Palestine.
        Sau trận tấn công “Mùa Xuân của Tuổi Trẻ”, Zaiad Muchasi lên thay Hussein Al Bashir (bị ám sát chết 24/1/1973) làm đại diện nhóm quá khích El Fatah trên đảo Cyprus. Muchasi cũng bị giết chết bằng bom trong khách sạn ở Athens (Greece, Hy Lạp) ngày 11 tháng Tư. Hai hội viên khác của “Tháng Chín Đen”, Abdel Hamid Shibi, Abdel Hadi Nakaa bị thương trong xe ở Rome.
        Các điệp viên Mossad theo dõi Mohammad Boudia, sanh quán ở Algeria, người điều hành các hoạt động của “Tháng Chín Đen” ở Pháp. Mossad được biết, tay này có thể hóa trang phụ nữ để trốn tránh. Ngày 28 tháng Sáu năm 1973, Boudia bị chết do bom gài dưới nệm ghế chiếc xe của ông ta.
        Ngày 15 tháng Mười Hai năm 1979, hai người Palestine, Ali Salem Ahmet và Ibrahim Abdul Aziz bị giết chết trên đảo Cyprus. Theo báo cáo của cảnh sát, cả hai bị giết bằng súng tay gắn ống hãm thanh. 
        Ngày 17 tháng Sáu năm 1982, hai nhân vật cao cấp trong hàng ngũ PLO ở Ý bị ám sát chết tại hai nơi. Nazeyh Mayer người điều hành trụ sở (văn phòng) PLO ở Rome bị ám sát bằng súng trước cửa nhà. Kamal Husain, nhân vật thứ hai PLO ở Rome bị bom đặt trong xe phát nổ trên đường lái xe về nhà.
        Ngày 23 tháng Bẩy năm 1982, Fadl Dani, nhân vật thứ hai trong trụ sở PLO ở Paris bị ám sát chết do bom đặt trong xe của ông ta. Ngày 21 tháng Tám năm 1983, nhân viên PLO Mamoun Meraish, lúc đang lái xe ở Athens bị hai điệp viên Mossad lái xe gắn máy chạy ngang bắn chết bằng súng.
        Ngày 10 tháng Sáu năm 1986, Khaled Ahmed Nazal, Tổng Thư Ký chi nhánh PLO bị ám sát chết trước một khách sạn ở Athens. Ông ta bị bắn bốn phát đạn vào đầu. Ngày 21 tháng Mười năm 1986, Munzer Abu Ghazala, một viên chức cao cấp trong Hội Đồng Quốc Gia Palestine (Palestine National Council) bị bom gắn trong xe nổ chết khi đang lái xe trong khu ngoại ô Athens.   
        Ngày 14 tháng Hai năm 1988, một quả bom gắn trong xe nổ tung ở Limassol trên đảo Cyprus giết chết hai người Palestine, Abu Al Hassan Qasim, Hamdi Adwan, làm bị thương người thứ ba, Marwan Kanafami.

IV. ALI HASSAN SALAMEH
        Mossad vẫn tiếp tục truy lùng Ali Hassan Salameh, biệt danh “Hoàng Tử Đỏ” (Red Prince). Salameh chỉ huy nhóm (đơn vị) Force-17 (Sức Mạnh 17), một nhóm cảm tử quân trong nhóm khủng bố quá khích El Fatah và “Tháng Chín Đen”. Tình báo Do Thái tin rằng Ali Hassan Salameh phác họa, chỉ huy vụ thảm sát Munich.
        Gần một năm sau vụ giết mười một lực sĩ Do Thái, Mossad được tin, Salameh đang trốn tránh nơi một ngôi làng nhỏ Lillehammer ở Na Uy (Thế vận hội mùa đông 1994). Ngày 21 tháng Bẩy năm 1973, một toán hành động Mossad giết chết Ahmed Bouchiki, một người bồi bàn người Ma Rốc (Morocan), không dính dáng gì đến vụ thảm sát Munich cũng như “Tháng Chín Đen”. Sáu điệp viên Mossad trong đó có hai phụ nữ bị chính quyền Na Uy bắt giữ, số còn lại có cấp chỉ huy Michael Hariri chạy thoát về Do Thái. Năm trong số sáu nhân viên Mossad bị đưa ra tòa, lãnh án. Chính quyền Na Uy trả về Do Thái năm 1975 (có lẽ chính quyền Do Thái bồi thường gia đình nạn nhân và … ).
        Trong tháng Giêng năm 1974, điệp viên Mossad bí mật xâm nhập vào Thụy Sĩ, khi được mật báo, Salameh sẽ gặp các tay lãnh đạo PLO (Yasser Arafat) trong một nhà thờ hôm 12 tháng Giêng. Hai tay súng Mossad lẻn vào nhà thờ, trông thấy ba người đàn ông “có vẻ” Ả Rập, Một người định rút súng nhưng cả ba đều bị giết, hai điệp viên Mossad lục soát trong nhà thờ tìm Salamed nhưng không thấy, đành rút êm.
        Sau đó ít lâu, ba điệp viên Mossad bay sang London gặp một người để biết tin tức về Salameh. Đến điểm hẹn, không thấy mật báo viên, linh tính các điệp viên Mossad cho biết họ đang bị theo dõi, có thể sa vào bẫy. Một nữ điệp viên của địch quyến rũ một điệp viên Mossad tại khách sạn Europa đang ở tạm, và bắn chết trong phòng ngủ. Ba tháng sau, Mossad dò tìm được người đẹp (nữ điệp viên của địch) đang sống ở Amsterdam, Hà Lan (Holand) và giết chết cô nàng hôm 21 tháng Tám. Tin tức điạ phương cho biết người đẹp là tay giết người thuê… không rõ sự liên hệ giữa cô nàng và PLO. Riêng người điệp viên chỉ huy toán hành động Kidon bị khiển trách vì hành động ra ngoài mục tiêu (trả thù cho đồng đội bị người đẹp giết).
        Sau chuyện này, cấp chỉ huy các toán hành động Michael Harari ra lệnh bãi bỏ nhiệm vụ truy lùng Ali Hassan Salameh. Toán hành động Kidon… không tuân lệnh, tiếp tục theo đuổi mục tiêu, cố gắng làm “cú” chót. Tin tình báo cho biết Salameh đang sống trong một ngôi nhà ở Tarifa, Spain, khi ba điệp viên Kidon lại gần, họ đụng phải người bảo vệ võ trang tiểu liên AK-47. Các điệp viên Mossad nổ súng giết chết người bảo vệ rồi tẩu thoát về căn nhà an toàn, sau đó bỏ dở mục tiêu.
        Sau vụ giết lầm người ở Lillehammer, dư luận thế giới lên án Do Thái và cơ quan Mossad. Nữ Thủ Tướng Golda Meir ra lệnh cho cơ quan Mossad tạm ngưng chiến dịch “Cơn Thịnh Nộ của Thượng Đế”, xem xét lại tất cả “tài sản” của Mossad ở Âu châu, kể cả nhà an toàn, nhân viên, phương thức hoạt động…
        Năm năm sau, “Đại Diều Hâu” Menachem Begin, thủ lãnh đảng chính Likud, cựu thủ lãnh nhóm “ly khai” trong bóng tối Irgun (đặc công, hoặc khủng bố của Do Thái) lên nắm quyền Thủ Tướng (vị Thủ Tướng thứ sáu). Ông ta cho phép Mossad tiếp tục chiến dịch “Cơn Thịnh Nộ của Thượng Đế” và… “tài sản” của Mossad bên Âu châu vẫn còn … y nguyên.
        Mossad tiếp tục truy lùng, theo dõi đường di chuyển của Salameh, được biết Trùm khủng bố có mặt ở Beirut cuối mùa thu năm 1978. Trong tháng Mười Một 1978, một nữ điệp viên Mossad mang giấy thông hành (passport) Ăng Lê cấp năm 1975, dưới tên Erika Chamber đến Beirut. Người đẹp thuê một căn apartment trên đường Rue Verdun, được biết Salameh thường đi ngang qua. Sau đó, thêm vài điệp viên Mossad đến tăng cường, trong đó hai người mang bí danh (đương nhiên sổ thông hang giả) Peter Scriver và Roland Kolberg, một quốc tịch Canada, người kia quốc tịch Anh.
Ít hôm sau khi các điệp viên Do Thái xâm nhập, một xe Volswagen chứa đầy chất nổ đậu trên đường Rue Verdun trong tầm mắt của căn nhà người đẹp Do Thái thuê. Lúc 3 giờ 35 phút chiều ngày 22 tháng Giêng năm 1979, Salameh cùng bốn cận vệ lái xe Chevrolet Station Wagon trên đường Rue Verdun, Chiếc Volswagen chứa đầy chất nổ được điều khiển từ trong nhà nổ tung khi xe chở Salameh chạy ngang, giết tất cả năm người trên xe. Sau năm lần thất bại, Mossad đạt mục tiêu, tuy nhiên chất nổ quá mạnh làm thiệt mạng người vô tội, một du học sinh người Anh, một bà sơ người Đức, bị thương 18 người khác. Ba điệp viên Mossad biến mất, giới chức Li Băng tìm không ra.

V. SAU VỤ THẢM SÁT MUNICH
Ba trong số tám tên khủng bố trong vụ thảm sát Munich sống sót trong phi trường Fürstenfeldbruck, sau khi lực lương an ninh Đức tấn công giải thoát con tin (tất cả đều bị giết). Cả ba bị giam giữ trong nhà tù ở Đức, Jamal Al Gashey, Adnan Al Gashey, và Mohammed Safadi. Vài tuần lễ sau, chính quyền Tây Đức trả tự do sau khi quân khủng bố cướp (không tặc) chiếc máy bay của hãng Lufthansa, phi vụ LH-615 và ra điều kiện cho chính quyền Tây Đức trả tự do cho ba đồng bọn trong vụ thảm sát Munich.
Tình báo Do Thái tin rằng, đã giết chết Adnam Al Gashey và Mohammed Safadi, vài năm sau, Al Gashey bị lộ diện khi liên lac với một người anh em họ ở một quốc gia Ả Rập trong Vùng Vịnh (Gulf). Safady được biết vẫn liên lạc với gia đình ở Li Băng (Lebanon). Điều này được một nhân vật PLO bạn của Safady xác nhận, đương sự vẫn còn sống. Jamal Al Gashey lẩn trốn ở đâu đó trong một quốc gia Bắc Phi, ông ta đồng ý cho đạo diễn Kevin McDonald phỏng vấn năm 1999, khi thực hiện phim “Môt Ngày trong Tháng Chín” (One Day in September). Jamal Al Gashey được tin là vẫn còn sống.

VI. CÁC HOẠT ĐỘNG KHÁC
        Đồng thời với chiến dịch “Ám Sát”, Mossad tìm nhiều phương thức khác để trả thù vụ thảm sát Munich, ngăn ngừa các hoạt động khủng bố trong tương lai. Mossad gửi một loạt những “lá thư bom” đến các viên chức Palestine trên khắp lục điạ Âu châu. Sử gia Benny Morris viết rằng hành động đó không gây thương vong. Cựu điệp viên Mossad Victor OStrovsky nói rằng, Mossad đánh đòn tâm lý, chẳng hạn như đăng báo phân ưu những tay khủng bố còn sống, hoặc gửi tin tức chi tiết về một tay khủng bố nào đó cho người khác. Gordon Thomas viết, sau khi thanh toán xong một tay khủng bố, ban tâm lý chiến Mossad gửi tin tức bằng tiếng Ả Rập cho các tờ báo Ả Rập trong vùng Trung Đông.
        Ngoài ra còn các vụ ám sát khác, không biết rõ Mossad hay nhóm ly khai Palestine nhúng tay vào. Vụ đầu tiên xẩy ra ngày 4 tháng Giêng năm 1978, Said Hammami, đại diện văn phòng PLO ở London bị bắn chết. Vụ này không biết do Mossad hay nhóm khủng bố Abu Nidal ra tay. Ngày 3 tháng Tám năm 1978, Ezzedine Kalak trưởng văn phòng PLO ở Paris và viên phụ tá Hamad Adnan bị ám sát chết ngay tại văn phòng trong cao ốc Arab League, ba người khác thuộc Arab League, nhân viên PLO bị thương. Vụ ám sát này cũng không biết ai là thủ phạm. Ngày 27 tháng Bẩy năm 1979, Zuheir Mohsen trưởng phòng “hoạt động quân sự” của PLO bị ám sát chết ở Cannes nước Pháp, khi vừa mới rời casino đánh bạc. Vụ này không biết Mossad, Palestine hoặc Ai Cập nhúng tay vào. Ngày 1 tháng Sáu năm 1981, Naim Khader đại diện văn phòng PLO ở Bỉ (Belgium) bị ám sát chết ở thủ đô Brussels. Phòng liên lạc thông tin PLO ra tuyên cáo buộc tội Do Thái nhưng không có bằng chứng. Abu Daoud, một cấp chỉ huy trong hàng ngũ “Tháng Chín Đen”, người tự khoe là kẻ góp phần trong vụ thảm sát Munich năm 1972, bị ám sát chết với nhiều phát súng trong một quán cà phê ở Warsaw, Ba Lan (Poland) hôm 1 tháng Tám năm 1981. Daoud sống sót… cho rằng một gián điệp đôi Palestine làm việc cho Mossad định giết ông ta. Mười năm sau, PLO giết chết người gián điệp đôi này. Ngày 1 tháng Ba năm 1982, viên chức PLO Nabil Wadi Aranki bị giết chết ở Madrid, Spain. Ngày 8 tháng Sáu năm 1992, Trùm ngành tình báo PLO Atef Bseiso bị hai người võ trang ám sát chết ở Paris.

VII. PHẢN ỨNG CỦA THÁNG CHÍN ĐEN
        “Tháng Chín Đen” cũng đưa ra một loạt các vụ trả đũa, bắt cóc con tin nhắm vào các viên chức người Do Thái. Họ cũng gửi đi nhiều “lá thư bom”, từ Amsterdam, dấu bưu điện tháng Chín, Mười năm 1972 đến các văn phòng, cơ quan Do Thái trên khắp thế giới. Một “lá thư bom” giết chết Ami Shachori, một cố vấn về nông nghiệp ở Anh quốc.
        Một trong những hoạt động nổi bật của “Tháng Chín Đen” là âm mưu ám sát nữ Thủ Tướng Golda Meir, khi đươc biết bà ta đi thăm La Mã để hội kiến Đức Giáo Hoàng Paul VI trong tháng Giêng năm 1973. Đương nhiên chuyện này được Do Thái bảo mật, tin này bị lộ ra ngoài có lẽ từ phòng báo chí, hoặc Ngoại Vụ Vatican. Trùm “Tháng Chín Đen” Ali Hassan Salameh soạn thảo một kế hoạch giết nữ Thủ Tướng Do Thái bằng hỏa tiễn (sung phóng hỏa tiễn). Mục đích của Salameh, không những giết Golda Meir, các viên chức cao cấp trong chính quyền, nhân viên quan trọng Mossad tháp tùng vị Thủ Tướng. Chuẩn bị cho kế hoạch, Salameh xin Nga Sô cho tạm trú (tỵ nạn chính trị). Khi Do Thái thức tỉnh sau vố này, đương sự cùng đám đàn em đã bay sang Nga Sô, ngoài tầm hoạt động của Mossad.
        “Tháng Chín Đen” mua được vài hỏa tiễn Strela 2 từ Dubronik, Nam Tư (Yugoslavia), chuyên chở bằng đường biển đến Bari, Ý. Sau đó dấu đem đến La Mã, bố trí rải rác xung quanh phi trường Fiumicino, trước khi phi cơ chở nữ Thủ Tướng cùng phái đoàn Do Thái đáp xuống. Để đánh lạc hướng (nghi binh) cơ quan Mossad, Salameh ra lệnh cho đàn em tấn công tòa đại sứ Do Thái ở Bangkok, Thái Lan.
        Ngày 28 tháng Mười Hai năm 1972, bốn tay khủng bố “Tháng Chín Đen” tấn công chiếm tòa đại sứ Do Thái ở Bangkok, bắt giữ 12 người làm con tin. Mấy tay khủng bố treo cờ PLO trên nóc cao ốc tòa đại sứ, đe dọa sẽ giết các con tin nếu không trả tự do cho 36 tên khủng bố đồng bọn đang bị giam cầm. Khu vực tòa đại sứ Do Thái ở Bangkok có nhân viên an ninh, cảnh sát vây quanh, phiá Do Thái mới đầu nghĩ đến kế hoạch giải cứu con tin nhưng bỏ qua. Nhưng sau đó, qua sự thương thuyết, quân khủng bố không giết con tin, đổi lại được một “hành lang” an toàn để bay qua Ai Cập.
        Mossad biết được kế hoạch ám sát nữ Thủ Tướng Golda Meir hôm 14 tháng Giêng năm 1973. Một mật báo viên báo cáo nhận được hai cú điện thoại từ một điện thoại công cộng, đến căn nhà “ổ” của mấy tay khủng bố “Tháng Chín Đen”. Bức mật điện trên tiếng Arabic được dịch ra tiếng Do Thái “Đã đến giờ giao đèn cầy cho buổi tiệc sinh nhật”. Trùm Mossad ZviZamir tin rằng đó là mật hiệu cho một trận tấn công sắp xẩy ra, ông ta đã nghi ngờ trận đột kích vào tòa đại sứ Do Thái ở Bangkok chỉ là nghi binh. Làm sao quân khủng bố để cho các con tin ra đi một cách dễ dàng, khi yêu sách thả 36 đồng bọn chưa được thỏa mãn… Đối với một nhóm khủng bố hăng say, huấn luyện kỹ càng, tiền bạc dồi dào… điều này khó tin. Cuối cùng Zvi Zamir tin rằng “đèn cầy” có nghiã là “hỏa tiễn”, quân khủng bố định bắn chiếc máy bay chỡ Golda Meir cùng các nhân vật trong nội các bằng súng phóng hỏa tiễn, khi chiếc máy bay vào đến không phận La Mã.
        Ông Trùm Mossad Zamir quyết định nhanh chóng, gửi mấy sĩ quan trong Mossad đến La Mã ngay tức khắc, đồng thời liên lạc với Digos, cơ quan chống khủng bố của Ý. Cơ quan Digos vội vàng tổ chức khám xét các chung cư gần phi trường, tìm được sách chỉ dẫn (manual) cách xử dụng loại hỏa tiễn Streila 2 do Nga Sô chế tạo. Suốt đêm, nhân viên Digos cùng với Mossad tảo thanh khu vực, và được cảnh sát Ý tăng cường bảo vệ khu vực phi trường Fiumicino chặt chẽ.
        Một nhân viên điạ phương làm việc cho Mossad trông thấy một chiếc xe Van đậu trên một khu đất trống gần hướng bay của phi cơ, bèn ra lệnh cho người tài xế bước ra khỏi xe. Thật nhanh chóng, cửa sau xe Van mở tung ra rồi hai tên khủng bố “Tháng Chín Đen” tung người ra khỏi xe, nổ súng. Nhân viên Mossad nổ súng trước bắn bị thương cả hai tên, khám xét xe Van tịch thâu được sáu (6) hỏa tiễn Streila 2. Người tài xế bỏ chạy, bị bắt sau đó. Tên này được đưa đến bộ chỉ huy lưu động của Mossad đặt trên một xe truck để khai thêm về kế hoạch giết nữ Thủ Tướng Golda Meir. Sau trận đòn nhừ tử, tên khủng bố khai thêm một xe Van thứ hai và chiếc xe truck Mossad chạy nhanh lên hướng bắc. Trên đường, họ trông thấy chiếc xe Van thứ hai, đuổi theo rồi ép cho chiếc xe Van lật vào bên trong đường làm ba tên khủng bố cùng với ba ống phóng hỏa tiễn kệt bên trong.
        Lúc mới nhận được báo cáo, ông Trùm Mossad Zvi Zamir định ra lệnh giết, nhưng sau đó đổi ý, việc giết “tù binh” có thể gây khó khăn cho chuyến thăm viếng của Golada Meir. Mấy tên khủng bố bị thương, sau khi được trao cho nhân viên an ninh Ý, được đưa vào bệnh viện săn sóc vết thương, sau đó bay sang Lybia. Nhưng chỉ trong vòng một tháng tất cả đều bị điệp viên Mossad giết chết.
        Hai thường dân Do Thái bị nghi ngờ làm việc cho cơ quan Mossad, cùng với một viên chức Ngoại Giao bị ám sát chết trong thủ đô Washington ở Hoa Kỳ. Baruch Cohen, một điệp viên Mossad ở Madrid, Spain bị giết ngày 23 tháng Giêng năm 1973, bởi một “cộng sự viên” trẻ Palestine. Ít nhất ba tay súng Palestine dính líu đến chuyện ám sát Cohen bị Mossad giết để trả thù. Victorio Olivares, một người Ý làm việc cho hãng hàng không El Al của Do Thái, bị “Tháng Chín Đen” giết ở La Mã trong tháng Tư năm 1973. Đại Tá Yosef Alon, tùy viên quân sự tòa đại sứ Do Thái ở Hoa Kỳ bị ám sát chết ngày 1 tháng Bẩy năm 1973 ở Chevy Chase, Maryland.
        “Tháng Chín Đen” làm nhiều vố khác nhằm vào Tây phương, kể cả chuyện tấn công tòa đại sứ Saudi Arabia ở Khartum, Sudan bắt giữ các viên chức ngoại giao Tây phương. Đến tháng Mười Hai năm 1974, “Tháng Chín Đen” chính thức giải tán, nhập vào El Fatah.

VIII. PHẢN ỨNG TRONG KHỐI Ả RẬP
        Trong đợt ám sát bắt đầu từ tháng Mười 1972 cho đến đầu năm 1973 chỉ làm cho cấp chỉ huy Palestine lo âu. Tuy nhiên, cuộc hành quân “Mùa Xuân của Tuổi Trẻ”, do biệt kích quân Do Thái tấn công vào Li Băng trong tháng Tư năm 1973, làm cho giới lãnh đạo trong khối Ả Rập sửng sốt. Cường độ quyết liệt của trận tấn công, cùng với sự kiện các lãnh tụ Palestine như Yasser Arafat, Abu Iyad, Ali Hassan Salameh chỉ cách nơi tấn công không xa. Điều rõ ràng, quân đội Do Thái (biệt kích) có thể tấn công bất cứ nơi nào, làm cho giới lãnh đạo trong khôi Ả Rập lo âu. Trong ngày “quốc táng” hang trăm ngàn người Ả Rập tràn ra đường phố Beirut, Li Băng nguyền rủa quốc gia, quân đội Do Thái. Khoảng sáu năm sau, lãnh tụ PLO, Yasser Arafat cũng có mặt ngoài đường dự đám tang Trùm khủng bố Ali Hassan Salameh.


Sung Kyun Kwan University
Department of Computer Education
vđh (May 18, 2012)

No comments:

Post a Comment