Friday, May 18, 2012

MOSSAD



I. LỜI GIỚI THIỆU
        Năm 1920, Charles Steimetz phát biểu “Tương lai sẽ là của những quốc gia nhỏ, độc lập mà việc quốc phòng đặt trên nền tảng kiến thức”. Điều này đúng với vai trò của các cơ quan tình báo Do Thái. Tổ chức hệ thống gián điệp, đánh lừa địch quân đã đươc quan trọng hóa từ lâu, một ngành làm việc trong quốc gia Do Thái, chỉ riêng người Trung Hoa mới có lịch sử xa xưa hơn về ngành tình báo. Lịch sử lâu đời này như một động lực thúc đẩy cho sự sống còn của dân tộc Do Thái. Ngành tình báo Do Thái được xem như một bộ máy làm việc hữu hiệu nhất trên thế giới.
        Ngày nay, Do Thái nằm giữa lòng các quốc gia thù hận Ả Rập, lúc nào cũng đe dọa nền an ninh, do đó cần phải có ngành tình báo chắc chắn, che chở cho các hoạt động bí mật. Ngành tình báo Do Thái chia ra làm ba cơ quan chính yếu: Aman chuyên lo về các dịch vụ tình báo cho quân đội, Shin Bet có nhiệm vụ phản gián, an ninh nội bộ. Nổi tiếng nhất là cơ quan tình báo quốc ngoại Mossad, tiếng Do Thái “Ha Mossad le Modiin ule Tafkidim Meyuhadum” có nghiã “Viện Tình Báo và các Dịch Vụ Đặc Biệt”.
        Các cơ quan tình báo Aman, Shin Bet, Mossad hoạt động rất hiệu quả trong môi trường “chiến tranh lạnh”. Ngành tình báo ở các quốc gia Tây phương có thể học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm, trước sự biến đổi chính trị trên thế giới. Các dịch vụ đặc biệt của ngành tình báo Do Thái có thể được phân loại như sau: chống khủng bố, chống vũ khí nguyên tử, thâu thập kỹ thuật bí mật, và cứu nhân loại.

II. CHỐNG KHỦNG BỐ
        Sau chiến thắng thần tốc năm 1967, quân đội Do Thái nghiền nát quân đội các quốc gia Ả Rập. Người Palestine nhận thức rằng “Các nhà Vô Địch” trong khối Ả Rập không giúp đỡ được điều gì… Tấn công Do Thái trên một trận điạ chiến là điều không thể thực hiện được, người Palestine trở lại với vũ khí, chiến thuật của kẻ yếu, “khủng bố”. Không may cho người Palestine, lực lượng quốc phòng Do Thái (IDF), nhất là cơ quan phản gián, tình báo nội bộ Shin Bet đã thiết lập một mạng lưới “nằm vùng” trong các trại tỵ nạn dành cho người Palestine (sau khi Do Thái độc lập năm 1948, vùng đất này có tên là Palestine - đất của người Palestine. Dân tộc Palestine mất đất, phải sống lây lất trong các trại tỵ nạn dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc… nên họ xem người Do Thái là kẻ thù không đội trời chung. Nhiều thế hệ người Palestine sau này sinh ra, lớn lên sau lớp hàng rào kẽm gai của trại tỵ nạn nên họ có ánh mắt căm hờn…). Cơ quan Shin Bet đập tan các trận tấn công đột kích, và gây thiệt hại cho quân khủng bố nhờ hệ thống lấy tin tức nhanh chóng, chính xác. Những trận tấn công, đột kích vào đất Do Thái không đạt được hiệu quả, quân khủng bố thay đổi mục tiêu ra ngoài Do Thái, trên khắp thế giới và tấn công luôn những quốc gia Tây phương bị xem như đồng minh của Do Thái.
        Người Do Thái phản ứng nhanh chóng với cơ quan tình báo quốc ngoại Mossad. Các toán điệp viên Mossad hoạt động bí mật trong nhiều quốc gia trên thế giới. Cơ quan Shin Bet huấn luyện cấp tốc các tay thiện xạ xử dụng súng lục Bereta, cải trang hành khách đi trên các chuyến bay của hãng hàng không Do Thái, ngăn ngừa không tặc.
        Các điệp viên Mossad, Shin Bet xâm nhập vào khu vực West Bank (khu người Palestine) để báo động sớm cho lực lượng an ninh, quốc phòng Do Thái về các hoạt động khủng bố. Các điệp viên Do Thái cũng báo cáo cho cơ quan an ninh, chính quyền Jordan để họ đề phòng (nhiều trại tỵ nạn người Palestine nằm trong đất Jordan). Sau này khi tổ chức Giải Phóng Palestine (PLO) trở nên lớn mạnh, họ định cướp luôn đất Jordan, đưa đến chuyện “Tháng Chín Đen” (Black September), khi quốc Vương Jordan Hussein ra lệnh cho quân đội tấn công quân PLO trong các trại tỵ nạn, đuổi người Palestine ra khỏi Jordan.
Từ thập niên 1970 trở về sau, các điệp viên Mossad được lệnh trả đũa mạnh tay với quân khủng bố trên bất cứ quốc gia nào, khắp thế giới. Mossad cũng có lần thất bại như vụ thảm sát Thế Vận ở Munich năm 1972, quân khủng bố xâm nhập, bắt làm con tin, rồi giết chin lực sĩ Do Thái. Sau vụ này, dư luận quần chúng Do Thái phẫn nộ, đòi trả thù, và nữ Thủ Tướng Golda Meir ra lệnh cho các cơ quan tình báo trả đũa, gia tăng ngân sách cho cơ quan Mossad gấp đôi. Theo lời Ronald Payne “Mossad không những được cấp ‘giấy phép giết người’ (họ đã làm từ lâu) mà được phép truy lùng những nhân vật dính líu đến vụ thảm sát Thế Vận Munich 1972”.
Dựa vào “giấy phép”, cơ quan tình báo quốc ngoại Mossad tổ chức những toán “hành động”, hoạt động bí mật ở hải ngoại (ngoài Do Thái). Nhiệm vụ đặc biệt cho các toán hành động là truy lùng, thanh toán những tay trùm khủng bố, quá khích. Do Thái có lịch sử truyền thống xa xưa về chuyện trả thù, quyền trả thù cho người thân… và ai là người được hưởng chế độ cư ngụ trong một số thành phố. Mossad làm sống lại truyền thống và biện hộ, cho rằng đó là hành động tự vệ. Trong lúc thi hành nhiệm vụ, đôi khi bị thất bại, như vụ giết lầm một người ở Lillehammer, Na Uy (Norway) năm 1973 và toán hành động bị bắt giữ.
Mossad xử dụng nhiều phương pháp bí mật để chu toàn nhiệm vụ, như trường hợp bị cấm ở Đức, vi phạm hiến pháp. Điệp viên Mossad “không chính thức” được hỏi cung, thẩm vấn các tay khủng bố Ả Rập bị giam trong nhà tù ở Đức.

III. CÁC HOẠT ĐỘNG THÂU THẬP KỸ THUẬT BÍ MẬT
        Trên phương diện này cơ quan Mossad chỉ đứng sau KGB của Nga Sô. Trong thập niên 1960s, Mossad thành lập một phòng đặc biệt, có độ chuẩn an ninh tối mật gọi là Lekem. Phòng này có nhiệm vụ thâu thập tin tức tình bào về khoa học, kỹ thuật. Điệp viên Mossad làm việc cho phòng này thường đi khắp thế giới dưới hình thức thương gia, chuyên gia, hoặc nhân viên tòa đại sứ Do Thái ở hải ngoại. Bình thường Lekem tìm cách thâu thập (mua bán) các tài liệu, dữ kiện liên quan đến vũ khí xử dụng trong quân đội và nguyên tử.
        Sau trận chiến Sáy Ngày năm 1967, Không lực Do Thái mất khoảng 10% số phi cơ và con số lớn gấp bội, số phi cơ cần sửa chữa (trúng đạn). Lúc đó nhiều quốc gia Tây phương ngưng việc bán vũ khí cho Do Thái, kể cả Pháp dưới thời Tổng Thống De Gault. Nhiệm vụ mới, mua bán vũ khí (lậu) đem về Do Thái được giao cho cơ quan Mossad.
        Chuyến đầu tiên là vụ lấy trộm sơ đồ loại chiến đấu cơ Mirage III của Pháp, không lực Do Thái dựa vào các loại cơ của Pháp, mặc dầu lúc đó Do Thái đã có xưởng chế tạo máy bay nhưng chưa hoàn hảo. Mossad và Lekem bắt liên lạc với một đường dây ở Thụy Sĩ mua sơ đồ phi cơ Mirage III với giá 85 ngàn Franc. Sau đó Do Thái chế tạo được phi cơ Kfir, dựa trên những yếu tố đặc biệt của loại Mirage III.
        Một chuyện khác liên quan đến việc “nhập cảng” vũ khí vào Do Thái xẩy ra năm 1968. Mossad lấy trộm năm chiếc khinh tốc đỉnh (gun boat) đóng cho Do Thái ở Cherbourg, nhưng sau đó người Pháp không chiu giao năm chiếc này vì lý do chính trị. Kết qủa Mossad phải “tự động” lái năm chiếc khinh tốc đỉnh về hải cảng Haifa.
        Nhiệm vụ quan trọng nhất của Lekem và Mossad là thâu thập tài liệu, kỹ thuật nguyên tử đem về Do Thái. Tương tự như người Trung Hoa tuyển mộ các khoa học gia trên khắp thế giới, Do Thái cho biết rõ ràng tuyển mộ khoa học gia để chế tạo bom nguyên tử. Sau đó, cơ quan Mossad tìm cách đem về nguyên liệu để xây lò nguyên tử cho quốc gia. Ngoài ra, người Trung Hoa và Do Thái cùng trao đổi những bí mật về nguyên tử qua trung gian hai cơ quan tình báo.
        Trong việc phòng thủ, Mossad tìm cách ngăn ngừa các nước Ả Rập thâu thập vũ khí nguyên tử. Trong thập niên 1970s, Iraq mua (xây dựng) hai nhà máy nguyên tử nơi người Pháp, đặt tên là Osiris va Isis. Công việc bắt đầu vào năm 1979, một toán hành động Mossad cho nổ tung phần nguyên tử đang được chế tạo trong lò nguyên tử ở Pháp, làm cho chương trình nguyên tử của Iraq bị chậm trễ mất hai năm. Năm 1980, cơ quan Mossad bị nghi ngờ nhúng tay vào vụ ám sát chết giáo sư Yahia El Meshad, chuyên gia đứng đầu về vật lý nguyên tử trong chương trình nguyên tử của Iraq. Ông ta “tự nhiên” chết trong căn apartment ở Paris, khi nhận lời làm việc cho Iraq.
        Mossad cung cấp hoặc phối hợp với quân đội trong việc ngăn cản các nước Ả Rập chế tạo bom hoặc vũ khí nguyên tử. Trong năm 1980, hai phản lực cơ Phantom sơn phù hiệu không lực Iran thả bom lò nguyên tử của Iraq gần thủ đô Baghdad, chuyện này không biết do bàn tay ai, Iran hay Do Thái. Năm 1981, không lực Do Thái xử dụng 15 phi cơ thả bom lò nguyên tử của Iraq gây thiệt hại nặng.
        Cơ quan Mossad bị nghi ngờ nhúng tay vào nhiều vụ ám sát các khoa học gia làm việc cho các nước Ả Rập trong việc chế tạo vũ khí giết người rộng lớn, hoặc nguyên tử, như trường hợp Gerald Bull và Alan Kidger năm 1991. Tiến sĩ Gerald Bull bị giết tại nhà ở Iraq, Alan Kidger chết ở Johannesburg, Nam Phi.

IV. CÁC CHIẾN DỊCH NHÂN ĐẠO (Humanitarian Operations)
        Bàn tay nhuốm máu Mossad làm chuyện nhân đạo nghe như một chuyện hiểu lầm, thực ra những công việc như truy lùng, bắt cóc, đưa ra tòa án những cựu đồ tể SS Đức Quốc Xã dính líu đến việc giết hại sáu triệu người Do Thái trong trận Đệ Nhị Thế Chiến. Trong thập niên 1960s, tình hình trở nên xấu đối với Do Thái, người Pháp, người Anh định bỏ rơi kênh đào Suez. Tổng Thống Ai Cập Nasser có ý đồ xây dựng một đế quốc Ả Rập và dường như cả thế giới bỏ rơi nước Do Thái. Do Thái cảm thấy cần phải chứng minh cho thế giới biết về chuyện tàn sát người Do Thái nên truy lùng các tội phạm Đức Quốc Xã.
        Chiến dịch Eichmann, tìm ra được một cựu SS, đó là Otto Adolf Eichmann đang trốn tránh ở Á Căn Đình (Argentina, Nam Mỹ). Một toán hành động Mossad được lệnh đi thủ đô Buenos Aires, với nhiệm vụ bắt cóc Eichmann, xác định đúng đương sự, tìm cách đưa về Do Thái để đưa ra trước tòa án. Toán hành động Mossad đến Á Căn Đình kịp thời trước khi Eichmann bỏ trốn sang Peru hoặc Uruguay. Đương sự bị đưa ra trước tòa án ở Do Thái, xét xử công khai cho cả thế giới biết, rồi lãnh án treo cổ năm 1962.
        Một chiến dịch khác do cơ quan Mossad thực hiện mang tính cách nhân đạo hơn là việc cứu thoát hàng ngàn người “Do Thái Đen” Ethiopia gốc Do Thái. Chiến dịch Moses đã đem về miền đất hứa hàng ngàn người Ethiopia gốc Do Thái (còn được gọi là Falahas) đang chết lần mòn vì nạn đói đang hoành hành ở Ethiopia. Văn phòng Mossad được ngụy trang như một căn nhà nghỉ mát nhỏ nơi bờ biển Hồng Hải (Red sea), đến tháng Giêng năm 1986, khi chiến dịch Moses kết thúc, Mossad đã đem về được Do Thái 18 ngàn Falahas, 13 ngàn người được đưa về bằng đường biển, 5 ngàn người khác về bằng đường hàng không. Chiến dịch này làm cả khối Ả Rập nổi giận.
        Chiến dịch Moses không phải là hoạt động nhân đạo đầu tiên, trong thập niên 1950s, cơ quan Mossad mở chiến dịch Magic Carpet (Tấm Thảm Thần), đem về Do Thái hàng ngàn người Yemen gốc Do Thái bằng phi cơ quân sự C-123 Hercules. Theo truyền thống người Do Thái cứu người Do Thái, cơ quan Mossad sẵn sàng mở những chiến dịch đưa người Do Thái đang gặp nguy hiểm trên thế giới về miền đất hứa, như ở Sarajevo, Bosnia trong trận “nội chiến” 1992-1995.



Sung Kyun Kwan University
Department of Computer Education
vđh (May 17, 2012)

No comments:

Post a Comment